Phì đại (tăng sinh) lành tính tuyến tiền liệt là bệnh lý rất thường gặp và là nguyên nhân hàng đầu gây ra rối loạn đi tiểu của quý ông trên 50 tuổi. Tại các Khoa Tiết niệu, số bệnh nhân được phẫu thuật tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt đứng hàng thứ hai, chỉ sau sau sỏi niệu.
Tiểu nhiều lần, tiểu gấp, tiểu đau, tiểu nhiều về đêm hay các triệu chứng bế tắc đường tiểu đều là những triệu chứng có thể gặp ở quý ông bị tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt (còn gọi là “u xơ tuyến tiền liệt”, “bướu lành tuyến tiền liệt”….). Tuy nhiên, đây đồng thời cũng là triệu chứng trong rất nhiều bệnh lý khác, nếu không được chẩn đoán đúng, sẽ dẫn tới điều trị không hiệu quả.
Chẩn bệnh nhầm, trị không hiệu quả
Các quý ông này rất thường đến khám ở các phòng khám về bệnh lý thận niệu, lão khoa hoặc nội khoa. Trong chuyên khoa Tiết Niệu, các bác sĩ lưu truyền một câu chuyện từ hơn hai mươi năm trước. Một vị giáo sư đầu ngành khoa Dược được khám và điều trị bởi một vị giáo sư đầu ngành khoa Y chuyên khoa Tiết Niệu. Giáo sư ngành Dược bị các triệu chứng rối loạn đi tiểu như tiểu khó, tiểu nhiều lần, tiểu đêm … làm ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng sống. Các triệu chứng nêu trên xảy ở một quý ông 60 - 70 tuổi khiến thầy thuốc thường nghĩ đến bệnh lý phì đại tuyến tiền liệt. Sau đó, giáo sư bên Dược được phẫu thuật bóc nhân xơ tuyến tiền liệt, tuy nhiên sau mổ các triệu chứng vẫn không thuyên giảm mà thậm chí còn tăng hơn, tiếp tục làm cho cụ hết sức khó chịu nhiều năm sau đó và có thái độ hàm ý trách móc thầy thuốc bên Y không biết cách làm cho mình hết bệnh.
Trong thực hành lâm sàng, nhiều lúc các bác sĩ niệu khoa gặp những tình huống những quý ông, cụ ông có triệu chứng rối loạn tiểu giống như do phì đại tuyến tiền liệt, nhưng khi khám bệnh và qua siêu âm thì thấy tuyến tiền liệt không to hoặc chỉ hơi to. Từ đó sinh ra từ “prostatism”, nôm na nghĩa là “tình trạng tuyến tiền liệt”. “Prostatism” là một hội chứng lâm sàng bao gồm các triệu chứng có liên quan đến sự bế tắc dòng tiểu ở vị trí cổ bàng quang, mà nguyên nhân thường gặp nhất là phì đại lành tính tuyến tiền liệt, nhưng cũng có thể do hẹp cổ bàng quang hay hẹp niệu đạo. Định nghĩa trên cho thấy là có những bệnh lý khác cũng gây ra những triệu chứng tương tự khiến chúng ta lầm tưởng là phì đại tuyến tiền liệt. Như vậy “triệu chứng tương tự như bị phì đại tuyến tiền liệt, nhưng có khi không phải do tuyến tiền liệt phì đại gây ra”.
Từ “tình trạng tuyến tiền liệt” đến “các triệu chứng đường tiểu dưới”
Trong y học có sự thay đổi các từ ngữ y khoa là do sự thay đổi về nhận thức trên về các bệnh lý tương tự phì đại tuyến tiền liệt.
Như thế, các bác sĩ đã nhận thấy nguyên nhân sinh bệnh về rối loạn đi tiểu của quý ông lớn tuổi không chỉ là phì đại tuyến tiền liệt mà còn có thể do nhiều nguyên nhân khác nữa. Nhận thấy rằng từ “prostatism” không còn thích hợp mà thay vào đó là cụm từ “Các triệu chứng đường tiểu dưới” bao hàm nội dung rộng hơn và phù hợp hơn.
Các triệu chứng đường tiểu dưới gồm một nhóm các triệu chứng, vốn ảnh hưởng lên khoảng 40% quý ông lớn tuổi.
Các triệu chứng này gồm có:
- Triệu chứng kích thích: tiểu nhiều lần, tiểu gấp, tiểu đau, tiểu nhiều về đêm
- Triệu chứng bế tắc: dòng tiểu yếu, tiểu ngập ngừng, tiểu nhỏ giọt cuối dòng, tiểu không hết, ứ đọng nước tiểu, són tiểu do tràn đầy, có những đợt bí tiểu.
Nguyên nhân của các triệu chứng đường tiểu dưới gồm có:
- Tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt
- Cơ chóp bàng quang suy yếu hoặc bất ổn định
- Nhiễm khuẩn niệu
- Hẹp niệu đạo
- Sỏi niệu
- Ung thư tuyến tiền liệt hay bàng quang
- Bàng quang thần kinh
- Viêm tuyến tiền liệt
Tóm lại, có rất nhiều nguyên nhân gây ra các triệu chứng đường tiểu dưới. Việc điều trị triệu chứng đường tiểu dưới nói chung và phì đại tuyến tiền liệt nói riêng ngày nay cũng hạn chế phẫu thuật mà thiên về dùng thuốc tức là điều trị về nội khoa. Chỉ định phẫu thuật chỉ khi có phì đại tuyến tiền liệt rõ ràng và đã dùng thuốc đúng mức trên 6 tháng nhưng không có hiệu quả. Một số trường hợp có thể có chỉ định mổ sớm hơn như tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt kèm theo suy thận hay sỏi bàng quang.