1. Chức năng và vị trí của đại trực tràng trong cơ thể là gì?
Đại trực tràng hay còn gọi là ruột già là đoạn cuối cùng của ống tiêu hóa, hình chữ U ngược. Dài khoảng 1.5 - 2 m, phía trên nối với hồi tràng qua lỗ hồi manh tràng có van hồi manh tràng, phía dưới tiếp giáp với ống hậu môn.
Nhiệm vụ của đại trực tràng là tiếp nhận các thức ăn không tiêu hóa được (chất xơ...), một số vi khuẩn ở ruột già có thể sản xuất các vitamin cho cơ thể, hấp thụ nước và tạo nên phân để thải ra ngoài.
Tùy theo vị trí của ruột già sẽ có tên gọi khác nhau như hình minh họa
Hình 1: Hình ảnh minh họa giải phẫu đại trực tràng.
2. Nguyên nhân của ung thư đại trực tràng?
Hiện nay, chúng ta chưa biết nguyên nhân chính xác gây nên ung thư đại trực tràng.
Tuy nhiên, theo các nghiên cứu, có những yếu tố, nguy cơ chắc chắn làm bệnh nhân dễ mắc bệnh như:
Các polip đại trực tràng: Các polip mọc trên thành bên trong của đại tràng hoặc trực tràng và thường gặp ở người trên 50 tuổi. Hầu hết các polip là lành tính (không phải ung thư), nhưng một số polip (u tuyến) có thể trở thành ung thư.
Viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn: Một người đã bị một bệnh lý gây ra viêm đại tràng (như viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn) trong nhiều năm sẽ có nguy cơ ung thư tăng cao.
Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư đại trực tràng: Nếu trong gia đình có người mắc ung thư đại trực tràng, thì những người có mối quan hệ huyết thống gần nhất có nhiều khả năng mắc bệnh hơn những người khác. Đặc biệt, người mắc bệnh ung thư khi còn trẻ thì tỷ lệ người thân mắc bệnh càng cao.
Các yếu tố lối sống: Những người hút thuốc lá, hoặc dùng một chế độ ăn nhiều thịt đỏ hoặc đồ chế biến sắn, ít chất xơ có nguy cơ cao bị ung thư đại trực tràng.
Tuổi trên 50: Ung thư đại trực tràng có nhiều khả năng xảy ra đối với những người lớn tuổi. Hơn 90% số người mắc bệnh này được chẩn đoán sau tuổi 50 và lớn hơn.
Hình 2: Nguyên nhân ung thư đại trực tràng
3. Triệu chứng của ung thư đại trực tràng biểu hiện như thế nào?
Ở giai đoạn đầu có thể hoàn toàn không có triệu chứng gì, đến lúc khối ung thư phát triển bệnh nhân có thể có một hay nhiều triệu chứng sau:
- Hoạt động ruột thay đổi liên tục (tiêu chảy hoặc táo bón).
- Trong ruột khó chịu, không thoải mái.
- Trong phân có máu (màu đỏ tươi hoặc sẫm màu).
- Phân nhỏ hơn so với bình thường.
- Thường xuyên thấy đau hoặc co thắt ruột do đầy hơi, hoặc cảm giác đầy bụng hoặc chướng bụng.
- Giảm cân không rõ lý do, cơ thể mệt mỏi.
Hình 3: Triệu chứng lâm sàng của ung thư đại trực tràng.
4. Chẩn đoán ung thư đại trực tràng bằng cách nào?
Nội soi đại trực tràng: là xét nghiệm quan trọng nhất khi nghi ngờ có ung thư đại trực tràng, qua NS bác sĩ có thể biết được tương đối vị trí, kích thước khối u ở đoạn nào của ruột già và đặc biệt là sinh thiết để chẩn đoán chắc chắn là ung thư hay không.
Ngoài xét nghiệm nội soi đại tràng Bác sĩ sẽ còn thực hiện một số xét nghiệm khác như: chụp cắt lớp điện toán (CT Scan), Siêu âm bụng, X quang phổi, điện tim, xét nghiệm máu ……để giúp cho chẩn đoán chính xác giai đoạn để tiến hành đầu trị.
5. Các phương pháp điều trị ung thư đại trực tràng hiện nay là gì?
- Phẫu thuật là cơ bản nhất. Đoạn đại tràng có khối u phải được cắt bỏ đồng thời với các hạch bạch huyết vùng. Đôi khi ung thư dính xâm lấn vào đoạn ruột bên cạnh, vào dạ dày, hoặc vào thành bụng, phải cắt kèm theo nhiều tạng thành một khối.
- Tùy theo vị trí và giai đoạn của khối u mà bệnh nhân có hậu môn để trong hay ngoài thành bụng sau khi phẫu thuật.
- Điều trị bổ sung: Khi ung thư đã di căn vào hạch hoặc vào những cơ quan lân cận, cần điều trị ngăn ngừa di căn bằng hóa trị liệu. Nếu khối u trực tràng lan rộng, nên dùng tia phóng xạ chiếu trước và mổ sau.
- Kết quả điều trị: So với các ung thư khác ở đường tiêu hóa (ví dụ: dạ dày, thực quản, gan, tụy...) ung thư đại trực tràng có tiên lượng tốt hơn cả, trên 50% bệnh nhân sống trên 5 năm.
Hình 5: Các giai đoạn của ung thư đại trực tràng
Hình 6: Phẫu thuật ung thư đại tràng xuống
6. Phòng ngừa ung thư đại trực tràng như thế nào?
- Giảm phần calo chất béo từ 40% xuống 25-30%.
- Tăng cường hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt vào bữa ăn hàng ngày.
- Hạn chế thức ăn muối, lên men, xông khói, sấy khô (cá khô, xì dầu, thịt ám khói...)
- Sau 50 tuổi xét nghiệm máu trong phân, soi trực tràng, đại tràng 3-5 năm một lần.
- Tránh những chất gây đột biến gen trong thức ăn như thuốc trừ sâu, diệt cỏ, thuốc kích thích tăng trọng.
- Không lạm dụng rượu, bia và các chất lên men rượu khác.
- Nội soi đại trực tràng ở những bệnh nhân có tiền sử gia đình bị ung thư và cắt polyp đại trực tràng khi nội soi phát hiện
BS.CK2 Nguyễn Phú Hữu, BS.CK1 Vũ Khương An